Thông tin luận án tiến sĩ nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh

Đề tài: Giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với phát triển kinh tế nông thôn: Trường hợp tỉnh Ninh Bình.

1. Họ và tên NCS: Nguyễn Thị Thanh

2. Chuyên ngành: Quản lý Kinh tế

3. Mã số: 9310110

4. Cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Trần Đức Hiệp

5. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án:

5.1. Mục tiêu nghiên cứu: Phân tích và đánh giá hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Ninh Bình đối với phát triển kinh tế nông thôn, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và phù hợp với thực tiễn địa phương.

5.2. Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Ninh Bình đối với phát triển kinh tế nông thôn.

6. Phương pháp nghiên cứu: 

– Phương pháp thu thập thông tin: Mẫu nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp thuận tiện kết hợp với phương pháp mẫu theo mầm. Tức là, tác giả sẽ liên hệ với những đáp viên tiềm năng mà mình quen biết và sau đó nhờ họ giới thiệu thêm những đáp viên khác phù hợp. Đề tài sẽ thực hiện kết hợp điều tra trực tuyến và điều tra trực tiếp.

– Phương pháp xử lý và phân tích thông tin: Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua quá trình tổng hợp các tài liệu nghiên cứu trước và lý thuyết nền nhằm xác định mối quan hệ giữa các biến và thang đo cho các biến trong mô hình nghiên cứu. Tiếp đó, tác giả thảo luận với các chuyên gia về mối quan hệ giữa các biến để xác nhận sự tồn tại của các mối quan hệ trong thực tế. Sau khi thu được kết quả từ việc phân tích định lượng, tác giả cũng sẽ tiến hành phỏng vấn sâu đối với một số cán bộ lãnh đạo cao cấp, chuyên gia để có thêm thông tin giải thích cho các kết quả nghiên cứu và đưa ra những giải pháp phù hợp.

– Phân tích dữ liệu định lượng sơ bộ: Dữ liệu định lượng sơ bộ được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.

– Phân tích dữ liệu định lượng chính thức: Dữ liệu nghiên cứu định lượng chính thức được xử lý bằng phần mềm SPSS 20 và SmartPLS 3.

7. Kết quả chính và kết luận

Luận án đã hệ thống hóa cơ sở lý thuyết và xây dựng khung phân tích để làm sáng tỏ hơn về những yếu tố ảnh hưởng và cơ chế hoạt động của giám sát từ HĐND đối với phát triển kinh tế nông thôn. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh bao gồm: (1) Lập kế hoạch giám sát; (2) Xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị; (3) Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; (4) Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; (5) Giám sát chuyên đề; (6) Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; (7) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; và (8) Ban hành nghị quyết về kết quả giám sát có ảnh hưởng thuận chiều đến sự phát triển kinh tế nông thôn ở tỉnh Ninh Bình.

Các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án đã được giải quyết thỏa đáng. Với kết quả nghiên cứu này, Luận án có những đóng góp giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Về mặt lý luận, luận án đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu về giám sát của Hội đồng nhân dân đối với phát triển kinh tế nông thôn bằng cách làm rõ các cơ sở lý luận và bổ sung góc nhìn mới về hiệu quả giám sát của HĐND trong bối cảnh phát triển kinh tế địa phương.

Điểm mới của nghiên cứu là tập trung vào vai trò giám sát của HĐND trong việc đảm bảo thực thi chính sách phát triển kinh tế nông thôn, thay vì chỉ xem xét chức năng giám sát một cách chung chung như nhiều nghiên cứu trước. Ngoài ra, nghiên cứu bổ sung góc nhìn mới về vai trò giám sát của HĐND trong quản trị phát triển kinh tế nông thôn, nhấn mạnh vào tính chủ động của HĐND trong việc phát hiện vấn đề, phản biện chính sách và đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện địa phương. Qua đó, luận án góp phần làm rõ hơn cơ chế vận hành của HĐND trong việc giám sát thực thi chính sách phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động và yêu cầu đổi mới về phương thức quản trị công.

Về mặt thực tiễn, luận án cung cấp một phân tích thực tiễn chuyên sâu về hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Ninh Bình đối với phát triển kinh tế nông thôn, từ đó chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế đó. Không chỉ đánh giá thực trạng theo quy trình giám sát thông thường, nghiên cứu còn tập trung vào mức độ tác động của giám sát đối với hiệu quả thực thi chính sách, giúp làm rõ vai trò thực chất của HĐND trong đảm bảo các chính sách kinh tế nông thôn được thực hiện đúng hướng và hiệu quả. Một đóng góp quan trọng của nghiên cứu là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát của HĐND, bao gồm cả yếu tố chủ quan như năng lực của đại biểu HĐND, cơ chế phối hợp với các cơ quan hành chính, và yếu tố khách quan như bối cảnh kinh tế – xã hội, hệ thống pháp lý và sự tham gia của người dân. Việc xác định rõ những yếu tố này giúp đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giám sát trong điều kiện thực tế của tỉnh Ninh Bình.

Dựa trên các phát hiện từ nghiên cứu, luận án đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò giám sát của HĐND, bao gồm: (i) hoàn thiện cơ chế giám sát theo hướng minh bạch, chặt chẽ và có tính phản hồi cao; (ii) nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND thông qua đào tạo chuyên sâu về chính sách kinh tế nông thôn; (iii) đổi mới phương thức giám sát bằng cách ứng dụng công nghệ và tăng cường sự tham gia của người dân; (iv) cải thiện cơ chế phối hợp giữa HĐND và các cơ quan hành chính địa phương nhằm tăng cường hiệu quả triển khai giám sát.

Ngày viết:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *